Gem Riverside là một trong những dự án hiếm hoi của Đất Xanh tại trung tâm thành phố mới Thủ Đức. Được giới thiệu tới thị trường từ 2018 tuy nhiên các thủ tục pháp lý chưa hoàn thiện kéo theo dự án dậm chân tại chỗ tới bây giờ. Tuy nhiên ở thời điểm hiện tại, cơ bản về phần khó nhất khi phát triển dự án – Pháp Lý – đã được hoàn tất. Với vị trí đẹp cùng nhà phát triển uy tín, dự án Gem Riverside sẽ được đưa vào danh mục kinh doanh của Tập Đoàn Đất Xanh trong quý 3/2022.
Dựa trên chiến lược và mô hình phát triển hiện nay, lãnh đạo Đất Xanh cho biết tập đoàn sẽ đạt được các mục tiêu tổng tài sản, vốn hóa 10 tỷ USD trong 10 năm tới.
Trong buổi gặp gỡ nhà đầu tư, ông Dương Văn Bắc – Phó Tổng giám đốc Đất Xanh (HoSE: DXG) chia sẻ công ty đặt kế hoạch nội bộ 1.600-1.700 tỷ đồng, nhưng do ảnh hưởng của lạm phát và dịch bệnh nên HĐQT dự kiến trình mục tiêu lợi nhuận sau thuế công ty mẹ 1.400 tỷ đồng.
Nhìn lại lịch sử hoạt động 19 năm qua, lãnh đạo Đất Xanh cho biết tập đoàn đều đạt và vượt kế hoạch đề ra. Năm 2010, công ty vượt mục tiêu đề ra với tổng tài sản hơn 1.000 tỷ đồng (kế hoạch này được đặt ra từ năm thành lập 2003 khi vốn ở mức 800 triệu đồng). Đến năm 2010, đơn vị đặt mục tiêu 10 năm sau tổng tài sản và vốn hoá tối thiểu 10.000 tỷ đồng, gấp 10 lần. Kết quả năm 2020, vốn hoá và tổng tài sản đạt trên 1 tỷ USD, gấp đôi chỉ tiêu đề ra.
Năm 2021, Đất Xanh lên kế hoạch vốn hoá và tổng tài sản là 10 tỷ USD vào năm 2030. Dựa trên chiến lược và mô hình phát triển hiện nay, lãnh đạo Đất Xanh cho biết sẽ đạt được các mục tiêu trên.
Thông tin dự án Gem Riverside (Thủ Đức), ông Bắc cho biết nút thắt pháp lý cơ bản hoàn tất và mở bán lại trong quý II, chậm nhất quý III. Cấu trúc sản phẩm và giá bán sẽ nâng cấp hơn nhiều.
Về dự án Gem Premium (Thủ Đức), pháp lý gồm 3 dự án thành phần con, tuy nhiên tên thương mại gộp vào là một với quy mô 15 ha. Các dự án này sẽ được mở bán cuối năm 2023. Doanh nghiệp tự tin bán 150-180 triệu đồng/m2 vì dự án ven sông TP HCM chỉ còn 4 khu. Doanh nghiệp đặt kỳ vọng đây sẽ là dự án cao cấp hoàn toàn gồm khách sạn 5 sao, tòa nhà văn phòng và một khu trung tâm thương mại tập trung quy mô lớn (hiện khu vực này chưa có) để nâng tầm giá bán.
Với dự án 150 ha ở Long Thành vừa công bố, công ty chưa chia sẻ cụ thể vì đang ở bước cuối để hoàn thành giao dịch nên đơn vị phải cam kết bảo mật thông tin. Tổng giá trị phát triển dự án (GDV) dự kiến gấp 3 lần Gem Sky World.
Các dự án ở Bình Dương, lãnh đạo Đất Xanh đánh giá nguồn cung bất động sản khu vực này lớn và các năm tới vẫn lớn. Tuy nhiên, khu vực như Dĩ An, Thuận An gần với TP HCM hơn, còn những khu vực khác như Bến Cát rất xa. Theo chiến lược đầu tư của Đất Xanh, khu vực có vị trí giáp TP HCM có sức bán tương đối tốt. Năm ngoái, doanh nghiệp hoàn tất mở bán 1.500 căn tại dự án Opal Skyline chỉ trong một buổi sáng.
Giá nhà và chung cư ở TP HCM cao, toàn trên 60 triệu đồng/m2; trong khi các dự án tại Dĩ An và Thuận An bán với mức giá hợp lý hơn 30-40 triệu đồng/m2 cho đa số người dân ở Bình Dương cũng như người dân từ TP HCM đến Bình Dương làm việc. Vì thế, các dự án giáp ranh TP HCM hoặc cách 10-15 km được lãnh đạo đánh giá có nhu cầu tiêu thụ tốt. Về phía Đất Xanh, đơn vị đầu tư dự án gần TP HCM nên tự tin có thể bán 5.000 sản phẩm/năm ở thị trường này.
Các dự án đa phần đi theo quy trình đấu thầu. Quỹ đất sạch của công ty gồm dự án tại Khánh Hoà. Đây hiện là dự án Khu đô thị sinh thái sân golf, nằm trong quy hoạch khu đô thị 17 ha của Vingroup. Đất Xanh đã làm việc với Vingroup để chuyển đổi dự án này sang khu đô thị biển 100% vì theo quy hoạch, Khánh Hoà có mười mấy sân golf thì việc tiếp tục đầu tư sẽ không hiệu quả. Việc chuyển đổi mất nhiều thời gian, nhưng hiệu quả sẽ cao so với phương án cũ.
Một số dự án chưa làm thủ tục đầu tư nhưng đã có quỹ đất sạch, vì nhiều chủ đầu tư cũng mua trước quỹ đất rồi tiến hành làm song song thủ tục. Còn một số dự án đấu thầu đang làm thủ tục chọn thầu, sắp tới Đất Xanh sẽ làm tiếp thủ tục phê duyệt quy hoạch, thu hồi đất, đền bù. Tuỳ dự án có thời gian phát triển khác nhau, công ty dự kiến bán hàng từ 2025-2027.
Về kế hoạch phát triển công ty con, thời điểm ban đầu, Đất Xanh đặt nguyên tắc hệ thống dịch vụ để đảm bảo mức độ cạnh tranh và quy mô của các đơn vị thành viên. Mỗi công ty con sẽ được phân chia theo khu vực. Ví dụ Đất Xanh Miền Bắc phụ trách miền Bắc đến Hà Tĩnh, còn Đất Xanh Miền Trung từ Quảng Bình tới Bình định, Phú Yên. Thời điểm đó, các công ty này đang còn nhỏ và thị trường sơ khai – mỗi đơn vị một khu vực vẫn phát triển tốt.
Đến nay, Đất Xanh Miền Bắc đạt doanh số mỗi năm hơn 10.000 sản phẩm, lượng nhân viên kinh doanh là 2.000 nhân sự, năm 2021 lợi nhuận 400 tỷ đồng, năm nay kế hoạch 700 tỷ đồng. Đất Xanh Miền Trung năm ngoái lợi nhuận gần 400 tỷ, năm nay kế hoạch 800 tỷ.
Chỉ riêng Đất Xanh Miền Bắc thì chiếm 40% thị phần, có thể tự cạnh tranh với đơn vị thứ 2 của thị trường hiện nay. Vì thế, Đất Xanh có thể dùng Đất Xanh Miền Bắc và Đất Xanh Miền Trung để cạnh tranh trực tiếp với các đối thủ. Với tiềm lực nói trên, Đất Xanh thay đổi chiến lược, nâng tầm thương hiệu những đơn vị này để mở rộng thị trường đến miền Nam với mục tiêu tối thiểu 30-40%.
Còn với những thành viên yếu hơn, Đất Xanh sẽ cho sáp nhập. Đến 2025-2030, thị trường dịch vụ còn 10 đơn vị, Đất Xanh kỳ vọng vẫn chiếm khoảng 60-70% thị phần với 4-5 thành viên. Đây là chiến lược mảng bán mới, và theo đó đem lại doanh thu, sản lượng đột biến cho tập đoàn.
Về kế hoạch huy động vốn, ông Bắc cho biết Đất Xanh muốn xây dựng tập đoàn tồn tại hàng trăm năm nên cấu trúc tài chính ưu tiên số 1 là an toàn. Tính đến cuối năm ngoái, tổng tài sản 28.200 tỷ đồng thì nợ 2.900 tỷ, trong khi lượng tiền mặt 3.000 tỷ đồng. Mô hình Đất Xanh trước giờ chủ yếu đẩy mạnh bán hàng trước, doanh thutừ khách hàng là chính, còn cán cân nợ được kiểm soát vừa phải.
Mục tiêu của tập đoàn là luôn duy trì hệ số nợ/tổng tài sản dưới 25%. Về chiến lược huy động, Đất Xanh có 3 chỉ tiêu. Thứ nhất, chiến lược đa dạng sản phẩm huy động hơn gồm phát hành trái phiếu ra công chúng (sẽ triển khai thường xuyên, kỳ hạn 3 năm), các khoản vay hợp vốn, các khoản vay lãi suất cao (hiện chưa thuận lợi) và trái phiếu doanh nghiệp (đang cân nhắc).
Thứ hai là về đối tác, hiện Đất Xanh đang làm việc với các công ty chứng khoán, quỹ đầu tư, ngân hàng, công ty bảo hiểm… Về thị trường huy động, những năm qua chủ yếu thị trường nội địa, thì từ nay Đất Xanh sẽ đẩy mạnh huy động vốn ở thị trường nước ngoài. Song kênh huy động quan trọng nhất vẫn là từ khách hàng, sau đó tập đoàn sẽ đẩy mạnh nguồn vốn kỳ hạn dài.